Vi Huyền Đắc

Vi Huyền Đắc sinh ngày 18/12/1899 tại Trà Cổ, tỉnh Quảng Ninh. Ông còn có bút danh là Giới Chi. Người cha của ông làm thầu khoán, mộ phu làm đường, làm mỏ và có một đội thuyền vận tải riêng hoạt động ở vùng Đông Bắc Bắc Bộ. Mẹ là cháu ngoại tiến sĩ Hán học Nguyễn Tư Giản (1823 -1890).


Thuở nhỏ Vi Huyền Đắc học chữ Hán, sau đó chuyển sang theo học theo tân học. Sau khi tốt nghiệp Thành Chung ở Hải Phòng, ông thi vào trường Mỹ nghệ Hà Nội nhưng sau đấy lại vào Sài Gòn làm lái xe và bắt đầu viết một số bài báo có xu hướng tiến bộ. Cha mất, Vi Huyền Đắc trở ra Hải Phòng kế thừa cơ nghiệp để lại. Ông bắt đầu viết văn và mở nhà in Thái Dương văn khố trên phố Cầu Đất Hải Phòng để xuất bản tác phẩm của mình và bạn bè. Có lẽ ông không có khả năng kinh doanh như người cha và cũng có thể do ông say mê văn chương hơn nên phải bán dần tài sản để sinh sống. Tuy nhiên công việc và hình ảnh của người cha và phần nào của chính mình sau khi  được kế thừa tài sản cũng như sự lụn bại về kinh tế đã cung cấp cho Vi Huyền Đắc những chất liệu sống sinh động trong sáng tác.


Trước sau, Vi Huyền Đắc viết khoảng 20 vở kịch, đa số các vở kịch của ông đều có tiếng vang, thời kỳ sung sức nhất là trước năm 1945. Vở đầu tiên gây được tiếng vang của Vi Huyền Đắc là 'Uyên ương' (1927) tiếp đó là 'Hoàng Mộng điệp' (1928). Từ 1927 đến 1930 kịch của Vi Huyền Đắc mang chủ đề bảo vệ những luân lý, đạo đức cũ, đề cao lý trí phong kiến. Các nhân vật phụ nữ của ông thường có cuộc đời éo le, có cô 'Tân thời' từng ham mê hoạt đọng xã hội, có người là cô đầu đã từng yêu chân thật song bị dối lừa... sonh tất thảy đều trở về yên phận với gia đình phong kiến.


Đầu những năm 30, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp Vi Huyền Đắc chuyển sang ca ngợi cái đẹp vị nghệ thuật. Ông dịch vở Mac tin (Martine) của J.J Bernard và viết 'Nghệ sĩ hồn' (1932) ca ngợi tâm hồn thoát tục của người nghệ sĩ, viết 'Kinh Kha' (1934) theo tinh thần hiệp sĩ.


            Bước ngoặt mới của Vi Huyền Đắc được đánh dấu từ  vở bi kịch Kim tiềnnnn và vở hài kịch 'Ông ký Cóp'. 'Kim tiền' được diễn lần đầu tại Nhà hát Tây (nhà hát thành phố) Hải Phòng ngày 19/12/1938 do Lê Đại Thanh thủ vai Trần Thiết Chung, nhân vật chính của vở kịch. Mãi 5 năm sau vở này mới được diễn lần thứ hai tại Nhà hát Tây (nhà hát lớn) Hà Nội, lần này Nguyễn Tuân thủ vai Trần Thiết Chung. Trong lần diễn sau, kiểm duyệt Pháp bắt cắt cảnh công nhân mỏ đình công và bắn chết Trần Thiết Chung vì sợ vở kịch khơi mào cho những cuộc bãi công thực sự. 'Kim tiền' đã được đăng trên báo Ngày nay và được giải thưởng của Tự lục văn đoàn năm 1937. 'Ông ký Cóp' là hài kịch cũng diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Tây Hải Phòng ngày 8/10/1938. Nếu như 'Kim tiền' phơi bày các thủ đoạn làm giàu và phi nhân tính của tư sản mại bản thì 'Ông ký Cóp' đả kích cái dáng  cười của lễ giáo phong kiến lỗi thời.


             Trước 1945 Vi Huyền Đắc còn có các vở kich có giá trị khác như Trường hậnnnn (giải thưởng của Viện hàn lâm Nixơ, Pháp 1936 -1937), 'Xamurai' (giải thưởng của Viện hàn lâm Nixơ 1938), 'Khóc lên tiếng cười' (1943), 'Lệ Chi Viên' (1934), 'Bạch Hạc đình' (1945), 'Giêsu đấng cứu thế' (1945)...Trong kháng chiến chống Pháp, Vi Huyền Đắc tản cư về vùng tự do Yên Mô Ninh Bình và tham gia viết kịch cho bộ đội địa phương.


            Năm 1954 Vi Huyền Đắc vào Nam, sống bằng nghề dịch thuật, viết văn và dạy học. Trong thời gian này ông viết 'Từ Hi Thái hậu' và hoàn thành nốt vở 'Thành Cát Tư Hãn' (1956), viết một số truyện ngắn, chủ yếu dịch sách tiếng Pháp và truyện của Quỳnh Dao nhà văn Đài Loan.


          Sau ngày đất nước thống  nhất Vi Huyền Đắc ra sống ở hà Nội và mất tại đây ngày 10/8/1976. Sân khấu truyền thống nước ta trước đây có Chèo, sau đó là Tuồng, Cải lương cũng mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, Kịch nói du nhập sau cùng từ kịch phương Tây. Trước Vi Huyền Đắc đã có một số tác giả kich nói, tuy nhiên chỉ từ Vũ Đình Long (1896 -1960) và Vi Huyền Đắc, kịch nói của ta mới thực sự có bước chuyển mạnh mẽ trong buổi đầu non nớt của nó.V. KH


       


         


          1. Từ điển văn học.- Nxb. Văn học, 1984


2. Nhà văn hiện đại/Vũ Ngọc Phan.- Nxb. Vĩnh Thịnh, 1951.


3. Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm.- Nxb. Hội nhà văn, 2000


                                                                               

Facebook zalo

Các tin đã đưa