Nguyễn Phúc Hội

Nguyễn Phúc Hội hay Nguyễn Văn Hội, khi hoạt động có bí danh là Phúc Lâm, sinh năm 1901, có tài liệu ghi ông sinh năm Dần (1902), người làng Kha Lâm, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, nay thuộc quận Kiến An nội thành Hải Phòng. Làng nay vốn có truyền thống yêu nước, thời Trần có nhiều người tham gia trận Bạch Đằng, phong trào Văn Thân cũng có cơ sở chống Pháp của nhiều nghĩa quân Phạm Trung Trực (Thống Trực). Xuất thân trong một gia đình khá giả, vợ ông bà Nguyễn Thị Nhung là người  đảm đang. Ông có làm phó tổng Tổng Kha Lâm, nên còn là ông Tổng Hội. Theo lý lịch tự thuật, tháng 6/1927 ông được Nguyễn Thái Học và Hoàng Mã (?) người Hưng Yên tuyên truyền vận động vào Việt Nam Quốc dân Đảng để đánh đuổi đế quốc Pháp và đánh đổ chế độ phong kiến Nam Triều làm cho nước Việt Nam được độc lập. Ngày 26/6/1927 ông được kết nạp, đến 9/1928 trở thành Đảng viên chính thức. Vốn có uy tín nên nhiều tổng lý trong vùng hưởng ứng, kể cả một số nông dân, binh lính đóng ở tỉnh lỵ Kiến An gần làng ông. Nguyễn Phúc Hội đã vận động được ông Phạm Văn Thóc, Vũ Văn Điều (1903 1930) nhà nho Vũ Văn Cảnh ( 1903 1941) Bát, Sức, Ba, Trị... Tháng 2/1928 chi bộ Việt Nam Quốc dân Đảng ở đây được thành lập, Nguyễn Phúc Hội được bầu làm Bí thư. Từ chi bộ này sau phát triển rộng ra nhiều xã ở An Lão, Kiến Thuỵ, An Dương, Tiên Lãng, Hải An, Thuỷ Nguyên của Tỉnh. Ở tỉnh lỵ có chi bộ trại lính. Kiến An lúc ấy là nơi có cơ sở mạnh của Việt Nam Quốc dân Đảng.


 


Tháng 11/1928 tham gia Ban chấp hành tỉnh bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Hải Phòng Kiến An do Nguyễn Chí Chử  làm Bí thư ông được phân công phụ trách chuẩn bị võ khí. Làng Kha Lâm, Núi Đấu Đong... là nơi sản xuất thư, cất dấu bom, tạc đạn. Các lò rèn trong tỉnh tham gia rèn giáo mác. Tiểu chí tỉnh Kiến An do Tuần phủ Phúc Soạn, báo cáo của chánh mật thám Mácty (Marty) và nhiều báo chí lúc ấy đều đưa tin tìm thấy bom tạc đạn  ở Kha Lâm, Đồng Tử, bến đò khách thị xã Kiến An, bản vẽ bom do cơ sở Kha Lâm sản xuất có trong phụ lục báo cáo của Marty.


 


Theo kế hoạch khởi nghĩa ấn định vào dịp Tết Nguyên đán Canh Ngọ (1930), Kiến An, Hải Phòng sẽ nổi dậy đánh chiếm tỉnh lị Kiến An rồi cùng nghĩa quân Hải Dương tiến đánh thành phố Hải Phòng. Nhưng ngày 23 tháng chạp năm Kỷ Tỵ (1929) Pháp khám nhà bắt Nguyễn Phúc Hội và một số Đảng viên ở cùng chí bộ. Sau Nguyễn Văn Phì tức Quản Phì bị bắt , không chịu nổi tra tấn đã khai toàn bộ Ban lãnh đạo, nhiều Đảng viên cốt cán đã bị bắt. Các  làng Kha Lâm, Đồng Tử bị triệt hạ. Nhà Nguyễn Phúc  Hội kiên cố Pháp phải dùng mìn phá. Sau lại cho xe đến chở hết số sắt, gỗ đem đi. Số cán bộ lãnh đạo và nhiều Đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng bị kết án nặng, Nguyễn Chí Chử bị kết án tử hình, Nguyễn Phúc Hội, Trần Văn Phồn, Vũ Văn Điền, Vũ Văn Cảo... bị kết án đầy ra Côn Đảo. Thời kỳ Mặt trận dân chủ Pháp nắm chính quyền, tháng 7/1936 Nguyễn Phúc Hội được tha nhưng bị quản thúc ở làng. Đầu năm 1940, Pháp lại bắt đi an trí ở Thái Nguyên, Hà Giang vì bị xếp vào loại phần tử nguy hiểm cho an ninh chính trị của nhà nuớc bảo hộ. Cuối năm 1942 được tha và vẫn bị quản thúc tại quê. Tháng 8/1945 sau khi Tổng khởi nghĩa làm Chủ tịch uỷ ban nhân dân cách mạng xã Lâm Viên huyện An Lão tỉnh Kiến An. Đến tháng 5/1946 được điều lên làm Thủ quỹ Ban kinh tài tỉnh Kiến An, sau đó là Ban kinh tài liên tỉnh Hải Kiến, giữ chức vụ này đến tháng 4/1949. Khi công tác ở Ban kinh tài liên tỉnh được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương tháng 10/1948 do Trần Văn Phồn giới thiệu. Từ tháng 5/1949 đến tháng 4/1950 làm phó Chủ tịch Uỷ ban kháng hiến hành chính thị xã Kiến An. Từ tháng 5/1950 đến tháng 12/1951 phụ trách công tác kinh tài huyện An Lão. Sau đó do đau yếu được lên khu tự do Việt Bắc chữa bệnh và tham gia cong tác tại địa phương cư trú. Sau kháng hiến chống Pháp thắng lợi, ông trở lại quê, tham gia công tác mặt trận có khoá tham gia Hội đồng nhân dân  xã Nam Hà. Tháng 1/1975 ông qua đời.


                                                               N. Đ. L


 


1.     Lý lịch tự thuật khai ngày 15/3/1970 - Noticesur la province de Kiên An do Tuần phủ Phúc soạn năm 1932. Cục lưu trữ quốc gia


2.     Nguyễn Thái Học - Nhược Tống.- H. Việt Nam thư xã, 1945.- Tr. 29, 63, 67,85


3.     Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc dân Đảng/Bạch Diện.- H.: 1950.- Tr. 49, 67, 69, 70


4.     Lịch sử đấu tranh cách mạng thị xã Kiến An: 1945 - 1975.- H.: Quân đội nhân dân,1994.- Tr.18

Facebook zalo

Các tin đã đưa