Lương Khánh Thiện

Lương Khánh Thiện sinh năm 1903 trong một gia đình nông dân ở thôn Mễ Tràng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.


 


Năm 19 tuổi, Thiện rời quê hương ra Hải Phòng tìm việc làm, sau đó vào học trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Tại đây, anh đã kết thân với Hoàng Quốc Việt và Lưu Bá Kỳ là những người bạn cùng cảnh ngộ. Thiện sống giản dị và thường đọc sách đến tận khuya. Anh hay rủ các bạn cùng đọc thơ văn của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu.


 


Vào những năm 1924-1925, tiếng bom Phạm Hồng Thái giết hụt toàn quyền Méc lanh ở Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc) và phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu đã có tiếng vang lớn trong cả nước. ở Hải Phòng, phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu bùng lên mạnh.


 


Tháng 12/1925, khi toàn quyền Varen ra Đồ Sơn nghỉ, thanh niên học sinh, công nhân Hải Phòng mít tinh đòi ân xá Phan Bội Châu, Thiện đã cùng các bạn có tư tưởng tiến bộ viết đơn bằng tiếng Pháp, đòi ân xá ... Học sinh các trường Kỹ nghệ, trường Bonnal và mọi người tập trung có trật tự ở gần Cầu Rào chờ sẵn. Khi xe của Varen tới, mọi người ùa ra vây kín, chặn xe, tay ấn từng xấp đơn vào xe. Trước áp lực của quần chúng,  Varen hứa sẽ giải quyết.


 


Nhưng bọn mật thám theo dõi,  khi về đến trường, Thiện và một số anh em bị giám thị người Pháp đánh đập. Đốc học phạt anh và một số người không được học. Ba học sinh khác bị bắt Thiện bàn với anh em bãi khoá, đòi trả tự do cho những người bị bắt, đòi giám thị xin lỗi học sinh.v.v...


 


Sau cuộc đấu tranh này Lương Khánh Thiện, Lưu Bá Kỳ, Vũ Văn Tấn, Hạ Bá Cang và một số học sinh khác bị đuổi học.


 


Năm 1926, Thiện làm thợ nguội ở nhà máy dệt Nam Định. Anh cùng một số anh em lập ra Hội tương tế giúp đỡ lẫn nhau trong lúc túng thiếu, khó khăn. Thiện đi sát công nhân tuyên truyền giáo dục vận động họ đấu tranh đòi quyền lợi. Anh em công nhân trẻ và nhiều bác công nhân già hết sức hưởng ứng.


 


Năm 1927, Thiện được kết nạp vào Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Bọn mật thám theo dõi sự hoạt động của Thiện, nhưng không đủ chứng cớ bắt anh, chúng xúi giục bọn chủ đuổi anh ra khỏi nhà máy.


 


Năm 1928, Thiện trở lại Hải Phòng kiếm việc làm và bắt mối hoạt động. Anh đi lang thanh khắp nhà máy, công sở để xin việc nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Cuối cùng anh vào nhà máy Tơ làm việc với điều kiện nộp cho tên cai 4 đồng bạc 'chạy lễ'. Thiện được làm thợ sửa chữa máy. Nhà máy Tơ có ít nam giới tham gia đứng máy và sửa máy, tập trung nhiều phụ nữ và có nhiều trẻ em cũng làm việc.Tại đây Thiện thường xuyên quan tâm đến đời sống của công nhân, lương tháng anh ăn tiêu tằn tiện, sẵn lòng giúp những người cơ nhỡ, ốm đau... Anh muốn gần giũ quần chúng để rồi tổ chức họ đấu tranh. Chỗ ở của Thiện là một túp lều tranh thuê ở ngõ Chùa Đỏ. Một hôm, trên đường đi làm về, Thiện gặp Hoàng Văn Đoài, công nhân nhà máy Điện Cửa Cấm, phụ trách tổ thanh niên ở mấy nhà máy khu vực phía đông thành phố. Đoài biết rõ những hoạt động của Thiện và giới thiệu anh với Nguyễn Đức Cảnh - Bí thư tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Hải Phòng. Được Nguyễn Đức Cảnh chỉ dẫn, Thiện cùng hoạt động hăng say và có kết quả. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã thành lập được tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở nhà máy Sợi.


 


Năm 1929, Khi Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, thì ở Hải Phòng, tổ chức cộng sản đầu tiên cũng ra đời (4/1929) gồm 3 người: Hoàng Văn Đoài, Nguyễn Hữu Căn, Nguyễn Đức Cảnh, do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Cuối tháng 4/1929 Lương Khánh Thiện đuợc kết nạp vào chi bộ Cộng sản đầu tiên của Hải Phòng. Vào tháng 8/1929 Ban chấp hành Đảng bộ Hải Phòng thành lập do Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định làm Bí thư. Khi phân công đảng viên và hội viên thanh niên tích cực xây dựng phong trào cơ sở, Thiện được phụ trách phong trào Nhà máy Chai. Công nhân nhà máy Chai làm việc trong điều kiện nhà của tối tăm, ẩm thấp, thường xuyên bị tai nạn giao thông nhưng chẳng những không có thuốc thang mà còn bị cúp phạt. Mọi người lao động 12 tiếng một ngày mà chỉ được trả lương có 03 hào; trẻ em và phụ nữ còn ít hơn. Thiện vừa làm việc, vừa bí mật tổ chức Công hội đỏ, Hội ái hữu, Hội tương tế trong công nhân. Anh đã tổ chức lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, tăng lương, giảm giờ làm, đòi chủ phải chữa chạy cho một công nhân đốt lò bị ngạt... Đặc biệt là cuộc bãi công đòi thả hai công nhân Thiêm và Cam bị địch bị bắt. Cuộc đấu tranh của công nhân máy Chai được công nhân máy Tơ, máy Điện kéo sang hưởng ứng.


 


Sau cuộc đấu tranh ở nhà máy Chai, Lương Khánh Thiện bị địch bắt (7/6/1929). Tháng 6/1929 toà án sơ thẩm Hải Phòng kết án Thiện 2 năm tù giam và 5 năm đày biệt xứ. Nhưng đến năm 1930, biết rõ anh là người lãnh đạo các cuộc đình công đấu tranh của công nhân máy Chai, toà án xử lại kết án Thiện tù chung thân, và đày đi Côn Đảo.


 


Thời gian bị giam ở Hoả Lò, Hà Nội thì vợ anh - Bích Hợp, một cô giáo đi 'vô sản hoá' ở máy Tơ, cũng bị địch bắt và bị giam ở Hoả Lò, Hà Nội. Khi ở nhà tù Côn Đảo, Thiện cùng các đồng chí khác lập Hội cứu tế.


 


Khoảng cuối năm 1932, chi bộ Đảng trong nhà tù Côn Đảo thành lập, Thiện ra sực góp phần xây dựng chi bộ, hăng hái hoạt động, thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó rất cao với đồng chí. Đi làm khổ sai, Thiện thường làm việc nặng đỡ cho người đau yếu. Lúc đấu tranh, anh lại đứng phái trước chịu đòn thay cho mọi người.


 


Năm 1936, sau khi Mặt trận nhân dân Pháp thắng lợi, Thiện  được ân xá từ Côn Đảo trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Tại Hà Nội, vợ chồng anh được xum họp cùng nhau một thời gian. Bích Hợp sinh được một con trai, , nhưng được mấy tháng cô lâm bệnh nặng và qua. Lương Khánh Thiện xin vào làm công nhân Sở Lục Bộ Hà Nội vừa để kiếm kế sinh nhai, vừa để che mắt bọn mật thám. Thiện hoạt động rất khôn khéo và tích cực. Chỉ một thời gian ngắn Thiện được cử vào Xứ uỷ Bắc Kỳ, cộng tác mật thiết với Nguyễn Văn Cừ Tổng Bí thư của Đảng, giúp cho phong trào công nhân và thanh niên ở Hà Nội và một số nơi lên mạnh.


 


Tháng 9/1939, Thiện được Đảng quyết định rời Hà Nội đến vùng Cát Trù thuộc tỉnh Phú Thọ để gây cơ sở du kích khi thời cơ tới.


 


Cuối năm 1940. Lương Khánh Thiện là Bí thư Liên tỉnh B (thường gọi là khu B) gồm: Hải Phòng, Hồng Quảng, Hải Dương, Kiến An, Hưng Yên và trực tiếp làm Bí thư thành uỷ Hải Phòng.


 


Về nhận nhiệm vụ mới, Thiện đã tích cực thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 6, Nghị quyết của Xứ uỷ Bắc Kỳ: xây dựng cơ sở cách mạng ở nông thôn, thành thị, vùng mỏ. Công việc đang xúc tiến thì Thiện bị địch bắt tại một cơ sở ở Thượng Lý, ngày 18/1/1941.


 


Địch ra sức mua chuộc, dùng kế dụ dỗ rồi dùng cực hình tra tấn nhưng không đem lại kết quả gì. Thiện còn chỉ thẳng vào mặt kẻ thù mắng: 'Chúng mày muốn làm gì thì làm đừng hòng cậy răng tao lấy nửa lời'.


 


Không khuất phục nổi người chiến sĩ cộng sản kiên cường, toà án Đế quốc Pháp đã kết án tử hình Lương Khánh Thiện.


 


Ngày 1/9/1941, tại chân núi áng Sơn, quân Kiến An ngày nay, khi địch nổ súng bắn, Lương Khánh Thiện đã hô lớn:


- Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm !


- Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm !

Facebook zalo

Các tin đã đưa