Hoàng Ngân

Hoàng Ngân quê gốc ở Nam Định sinh trong một gia đình tiểu thương ở phố Savatxiơ (phố Quang Trung - Hải Phòng ngày nay). Tên thật là Phạm Thị Vân. Do sức người gầy yếu, không học được lên cao nữa, Hoàng Ngân ở nhà giúp mẹ bán hàng. Hoàng Ngân lớn lên trong không khí cách mạng sôi sục. Những cuộc bãi công của công nhân, cuộc đấu tranh của tiểu thương chợ Sắt đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm của Hoàng Ngân. Đặc biệt thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 1939) phong trào đòi dân sinh dân chủ diễn ra sôi nổi ở Hải Phòng. Các tổ chức ái hữu, nghiệp đoàn của công nhân học sinh, tiểu thương, trí thức... không ngừng hoạt động. Sách báo của Đảng cộng sản được lưu hành công khai. Các cuộc đình công, biểu tình diễn thuyết, bãi thị, bãi khoá... thường xuyên nổ ra khắp nơi trong thành phố. Hoàng Ngân hoà mình vào trong phong trào cách mạng của thành phố. Chị hăng hái tham gia tổ chức Thanh niên dân chủ. Được các đồng chí trong tổ chức tin tưởng, hết lòng giúp đỡ Hoàng Ngân càng tích cực lao vào công tác, đi sâu sát vào quần chúng. Năm 1938, Hoàng Ngân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, khi  mới 17 tuổi. Từ đó, Hoàng Ngân tạm biệt gia đình đi hoạt động thoát ly. Chị được phân vào nhà máy Tơ, máy Chai, chợ Sắt... hoạt động xây dựng cơ sở quần chúng và hướng dẫn họ đấu tranh. Hoàng Ngân trở thành người cán bộ có tài vận động quần chúng công nhân và nhân dân lao động thành phố Hải Phòng chống  áp bức bóc lột. Là đảng viên trẻ, có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, Hoàng Ngân được phân công đảm nhiệm việc liên lạc giữa Xứ uỷ Bắc Kỳ với Trung ương Đảng và là một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Hải Phòng.


 


Năm 1939, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng tại Hải Phòng, Ban cán sự Đảng phát động quần chúng đấu tranh chống thuế cư trú, thuế đèn, thuế nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, ngày 30/5/1939, hơn một vạn nhân dân thành phố tập trung tại ngã tư phố Bắc Ninh (nay là phố Lãn Ông) sau đó kéo lên toà Đốc Ký đấu tranh. Khi đoàn biểu tình đến sở Cẩm thì bị binh lính và cảnh sát đàn áp. Hàng trăm người bị chúng bắt giữ, trong số đó có đồng chí Tô Hiệu, Bí thư Thành uỷ và Hoàng Ngân (ngay sau đó Tô Hiệu được đoàn biểu tình vây quanh bảo vệ để đồng chí thoát ra ngoài).


 


Trong nhà giam, Hoàng Ngân tiếp tục động viên mọi người đấu tranh với địch. Sau ba tháng giam giữ, không có chứng cớ gì, chúng phải trả tự do cho chị và những người bị bắt. Nói về cuộc đấu tranh này, tài liệu của mật thám Pháp ghi Trong số 250 người biểu tình bị bắt và thẩm tra căn cước, có 70 người trong đó bị đưa ra truy tố trước toà án. Mật thám Hải Phòng đặc biệt chú ý sự có mặt của Nguyễn Thị Khánh, Phạm Thị Vân, Bích Kim, Nguyễn Thị Nghĩa... Phần lớn những người này quen thuộc vì đã giữ một vai trò trong phong trào Ái hữu nghề nghiệp và trong những cuộc đình công, đã xảy ở Hải Phòng trong những năm tháng vừa qua. Trong đêm 30 rạng ngày 31 họ vẫn không ngừng biểu tình trong các nhà giam của sở cảnh sát Hải Phòng để nhấn mạnh hơn nữa khuynh hướng cực đoan của họ...


 


Rời khỏi trại giam Hoàng Ngân tiếp tục đi hoạt động cách mạng , mặc dù chị rất thông cảm với tình yêu thương của gia đình và người mẹ quý mến. Hoàng Ngân được chỉ định phụ trách công tác vận động phụ nữ Hải Phòng và cũng từ đây bắt đầu sự nghiệp hoạt động cho phong trào phụ nữ Việt Nam. Trong những năm 1941 1942, Hoàng Ngân làm liên lạc cho đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ.v.v. Xứ uỷ điều chị về phụ trách công tác phụ nữ ở tỉnh Hà Đông, rồi tỉnh Sơn Tây. Năm 20 tuổi, Hoàng Ngân tham gia Ban thưòng vụ Hội phụ nữ giải phóng Bắc Kỳ. Tháng 1/1944, Hoàng Ngân dự hội nghị cán bộ ở Hà Đông. Cuộc họp đang tiến hành thì bị địch bao vây. Chị giúp các đồng chí mình trốn thoát, còn bản thân bị địch bắt. Chị bị kẻ thù tra tấn dã man chết đi sống lại nhiều lần những chúng không khuất phục nổi khí tiết của người cộng sản. Chúng đành kết án chị Ngân 12 năm tù và giam tại Hoả Lò (Hà Nội). Ở trong tù, Hoàng Ngân vẫn vận động anh chị em tù đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, chống đàn áp, khủng bố. Những trận đòn dã man của kẻ thù đã làm cho chị mắc chứng đau đầu, nhiều lúc như điên dại.


 


Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lợi dụng thời cơ, Đảng bố trí cho Hoàng Ngân vượt ngục. Trở về chị được phân công là Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc Hà Nội.


 


Trong những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Hoàng Ngân đã tổ chức đội nữ du kích Minh Khai để học tập, rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Nam nữ thanh niên Thủ đô thời ấy gọi chị với cái tên rất thân thương 'Chị Sáu' và hăng hái tham gia tổng khởi nghĩa.


 


Năm 1946, Hoàng Ngân được Xứ uỷ cử làm Bí thư Đoàn Phụ nữ cứu quốc tỉnh Hải Dương. Tại đây Hoàng Ngân tích cực củng cố cơ sở, huấn luyện cán bộ và Hải Dương được đánh giá là địa phương có phong trào phụ nữ mạnh.


 


Đầu năm 1947, Hoàng Ngân được bầu vào khu uỷ khu 3, phụ trách công tác dân vận và khu hội phụ nữ. Cuối năm chị được cử làm Bí thư trung ương lâm thời đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam. Tiếp đó trong Hội nghị cán bộ phụ vận toàn miền Bắc vào cuối năm 1947, chị được bầu làm Bí thư Ban Phụ nữ cứu quốc Bắc bộ. Hoàng Ngân làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng chỉ dẫn, dìu dắt cán bộ đồng thời tranh thủ thời gian học tập văn hoá, lý luận chính trị để nâng cao trình độ. Những năm 1948 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp vào giai đoạn quyết liệt, điều kiện công tác , đời sống vô cùng khó khăn, cơ quan Hội liên hiệp phụ nữ luôn phải di chuyển từ Thái Nguyên lên Bắc Cạn, xuống Bắc Giang, lại về Hà Nam... Hoàng Ngân vẫn xông xáo lo toan, cùng các chị lãnh đạo Hội duy trì liên lạc, nắm chắc và đẩy mạnh hoạt động của phong trào phụ nữ kháng chiến.


 


Tờ báo Phụ nữ  số 1 và số 2 phát hành đầu năm 1948 có sự đóng góp lớn của Hoàng Ngân. Bài xã luận đầu tiên do chị viết đăng trang 2 số báo đầu tiên, tiếp sau trang 1 đăng bức thư của Bác Hồ có chữ ký của người gửi báo Phụ nữ Việt Nam, từ lâu đã trở thành kỷ niệm vô giá.


 


Do bệnh tật dày vò, ngày 17/7/1949, sau một cơn đau nặng Hoàng Ngân đã qua đời tại chiến khu Việt Bắc khi mới 28 tuổi đời.


 


Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hoàng Ngân lúc nào cũng tỏ ra vững vàng, bất kỳ ở cương vị nào cũng nêu tấm gương sáng tận tuỵ hy sinh. Sau khi chị qua đời, nhiều nơi đã có những hình thức tưởng  niệm hết sức nghĩa tình.


 


Ngọn đồi, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc Việt Nam đặt trụ sở, được mang tên Hoàng Ngân. Các tỉnh đội Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình đã tổ chức những đội du kích Hoàng Ngân. Tỉnh hội Hưng Yên còn lập một trường đào tạo cán bộ nữ mạng tên chị.


 


Với Hải Phòng, một đường phố gần nơi nhà xưa chị ở được đặt tên phố Hoàng Ngân.


 


1.     Tài liệu chép tay ở Bảo tàng Hải Phòng


2.     Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng.- Số 2, 1986.- Tr.44, 45, 52.


3.     Nhớ mãi tên anh: Viết về những chiến sĩ cộng sản hoạt động tại Hải Phòng/Ban tuyên giáo Hải Phòng.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng, 1995.- Tr.74 - 78.


4.     Tạp chí Tem số 14, tháng 9/1945.- Tr.16.

Facebook zalo

Các tin đã đưa