BÁC HỒ TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ ĐỌC SÁCH VÀ TỰ HỌC

BÁC HỒ TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ ĐỌC SÁCH VÀ TỰ HỌC

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, Người đã được kế thừa truyền thống ham đọc sách của dân tộc và gia đình. Việc đọc sách, báo ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường, mà Người đọc chủ yêú là để phục vụ cách mạng với niềm khao khát tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Niềm ham muốn khao khát ấy đã đi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời, chi phối mọi hoạt động của Người.

Hơn hai mươi tuổi, ra đi với hai bàn tay trắng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành mang theo một khát vọng cháy bỏng là tìm đường giải phóng dân tộc. Chính khát vọng đó đã hun đúc cho người thanh niên mảnh khảnh một sức mạnh phi thường, bền bỉ tự học, tự đào tạo để có đủ khả năng tìm đường cứu nước, cứu dân. Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Bác vừa lao động kiếm sống, vừa tìm mọi cách và tận dụng mọi lúc, mọi nơi để tự học, nhất là học tiếng nước ngoài.Đến đâu, Người cũng học, tìm mọi cách để học. Người tìm hiểu phong tục, tập quán ở những nơi mình đi qua để nâng cao tri thức; học nghề để kiếm sống, sống để hoạt động cách mạng. Bác đã học và làm rất nhiều nghề khác nhau, bắt đầu từ việc làm thợ đốt lò trên tàu viễn dương, làm đầu bếp ở Mỹ, quét tuyết ở Anh, bốc thuốc ở Thái Lan, viết báo, viết truyện, viết kịch, làm thợ chụp ảnh, thợ sửa đồng hồ… Mặc dù làm rất nhiều việc nhưng nhờ tự học mà Bác làm việc gì cũng giỏi.

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “ Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông : 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu.”. Khi nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm ngày 9 tháng 12 năm 1961, Người đã tâm sự: “ tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.

Với sự ngưỡng mộ trước tinh thần tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Ánh Dương biên soạn cuốn sách “ Bác Hồ - tấm gương sáng về đọc sách và tự học”Nxb. Thanh niên xuất bản năm 2022,  ghi lại một số câu chuyện về cuộc đời tự học, sự kiên trì học hỏi, vượt khó khăn của Bác. Nội dung cuốn sách tập chung giới thiệu về:

1.Tuổi trẻ với hoài bão lớn

2.Quá trình Bác Hồ học tập, lao động ở nước ngoài

3.Trong vai trò người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn nghiên cứu, vận dụng sáng tạo lí luận cách mạng phục vụ nhân dân, đất nước, Người là tấm gương sáng về tự học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Đặc biệt, Người tự học với động cơ trong sáng và ý nguyện cao cả là tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, Nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.Cuộc đời của Bác là một quá trình vừa học tập vừa hoạt động cách mạng; học để hoạt động cách mạng, để đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân.Quá trình lao động, làm việc là quá trình tự học tập, tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc rút kiến thức từ thực tiễn. Tinh thần ham học hỏi không chỉ đòi hỏi ở những người trẻ, mà theo Bác đối với những người già cũng không kém phần quan trọng. Tấm gương tự học của Bác Hồ, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc. Đó mãi là tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và Nhân dân ta.

Thư viện KHTH thành phố trân trọng giới thiệu./.

Bác Hồ -tấm gương sáng về đọc sách và tự học/ Ánh Dương. H. : Thanh niên, 2022. – 199tr. ; 21cm.

 Kho đọc: DVN.043153

Kho mượn: MVN.051210 - 11

Facebook zalo

Các tin đã đưa